Ngày đăng: Thứ năm 29/08/2013 12:00:00 (GMT +7)
Chương II - Người được huyệt đất ở núi Động Tranh
Theo gia phả họ Hoàng Xuân và nghiên cứu mối quan hệ giữa hai địa danh ta biết dòng họ này ngày xưa vốn ở thôn Vân Nội, xã Hoàng Vân, tổng Yến Lục, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Nội, xã Hồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên) là một dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu nhiều người có nghĩa khí và có công lao với đất nước.
1/ Lai lịch của một gia đình văn hoá.
Tại nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân ở làng Hoàng Trù có một câu đối:
“Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ
Chung Cự hùng thanh chấn ức niên”
Nghĩa là:
Hoàng Vân khí tốt lành truyền từ xưa lại
Chung Cự tiếng hùng vọng đến vạn năm sau.
Theo gia phả họ Hoàng Xuân và nghiên cứu mối quan hệ giữa hai địa danh ta biết dòng họ này ngày xưa vốn ở thôn Vân Nội, xã Hoàng Vân, tổng Yến Lục, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Nội, xã Hồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên) là một dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu nhiều người có nghĩa khí và có công lao với đất nước.
Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê , dựng lên nhà Mạc, con cháu dòng họ này đã phò Lê, diệt Mạc. Thế hệ thứ 6 dòng họ này có một người con tên là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) được vua Lê giao chức Tổng binh trong Đô tổng binh sử tư xứ Nghệ An. Do lập được nhiều chiến công, Hoàng Nghĩa Kiều được phong Thái bảo Hồng quốc công. Hoàng Nghĩa Kiều có 3 người con trai là Hoàng Nghĩa Giá, Hoàng Nghĩa Thân và Hoàng Nghĩa Lương.
Theo gia phả chi họ Hoàng ở thôn Bùi Hồng (trước đây gọi là Bùi Chu, Bùi Ngọa) xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, cách đây trên 200 năm thì Hoàng Nghĩa Thân con trai thứ hai của Hoàng Nghĩa Kiều sinh được 6 người con trai, 13 người con gái. Người con trai thứ hai có tên là Hoàng Nghĩa Giao lấy vợ ở xã Nghĩa Liệt (nay là xã Hưng Long) huyện Hưng Nguyên, sinh ra Hoàng Nghĩa Chung.
Hoàng Nghĩa Chung không về quê cha ở thôn Vân Nội, xã Hoàng Vân tỉnh Hưng Yên mà lại ở xã Nghĩa Liệt, lớn lên lấy vợ ở làng Dương Xá và sinh được hai trai là Hoàng Quát và Hoàng Niệm. Hoàng Quát sống ở Phù Hiệu và Hoàng Mạnh.
Hoàng Mạnh lấy vợ thứ 3 quê ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn và ở hẳn tại làng Hoàng Trù, lập ra họ Hoàng ở đây (hiện nay mộ của Hoàng Mạnh còn lưu giữ được ở làng Hoàng Trù)…
Hậu duệ của Hoàng Mạnh đời thứ 12 là Hoàng Cương, tự là Xuân Cận (1793-1870), đậu 3 khoa tú tài, người sinh ra Hoàng Đường, tự Văn Cát (1835-1893).
Cụ Hoàng Đường kết duyên với bà Nguyễn Thị Kép ở làng kẻ Sía, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, sinh được hai người con là Hoàng Thị Loan (sinh năm 1868) và Hoàng Thị An (sinh năm 1877).
Bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình nho học truyền thống lâu đời, nếp sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình ẩn chứa, tích tụ nhiều phẩm chất văn hóa cao đẹp của quê hương Nam Đàn, của xứ sở Hồng Lam.
Bà Hoàng Thị Loan có ông nội là Hoàng Xuân Cận, đậu 3 khoa tú tài, thân sinh là cụ Hoàng Đường, một nhà nho nhân ái và thông thái, nổi tiếng trong vùng, tuy không đậu đạt qua các kỳ thi do triều đình mở nhưng được nhân dân yêu mến kính trọng tôn vinh là cụ Tú (về sau bà con gọi là Tú An).
Thân mẫu là Nguyễn Thị Kép, con gái đầu lòng của nhà nho Nguyễn Văn Giáp đậu 4 khoa tú tài, bà là người thông minh, hiền lành, lao động giỏi và khéo tay, thuộc nhiều làn điệu dân ca quê nhà.
Cả hai gia đình bên nội và bên ngoại của bà Hoàng Thị Loan đều giàu lòng nhân nghĩa, sống có văn hoá, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời.
Gia đình cụ Hoàng Đường là một gia đình có học rộng, có kiến thức, ai cũng yêu lao động, biết lao động thực sự và biết tạo ra những giá trị đích thực, làm cho cuộc sống càng thêm thi vị.
Gia đình cụ Đường sống bằng nghề làm ruộng là chính. Những lúc rỗi rãi bà Nguyễn Thị Kép làm thêm nghề dệt vải, dệt lụa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cụ Hoàng Đường mở lớp dạy học tại nhà là thực thi một sự nghiệp rất cao cả-sự nghiệp trồng người. Học sinh quanh vùng theo học khá đông. Lòng thương người của cụ là nhân tố quan trọng làm cho nhiều người nghèo, hiếu học đã thành đạt trong cuộc sống.
Sống nhân ái, nặng nghĩa tình là nét đẹp truyền thống của gia đình cụ Hoàng Đường.
Cụ là người có vị trí cao trong tâm khảm của mọi tầng lớp nhân dân, nhưng hàng ngày trong ứng xử xã hội, cụ không lấy cá nhân mình làm trung tâm quyết định mọi vấn đề của cuộc sống cộng đồng. Cụ rất tôn trọng mọi ngừơi, kể cả người có học và người không được học, từ cụ già đến trẻ nhỏ. Cụ kiên trì và quyết tâm ủng hộ, vun trồng nhiều điều hay lẽ phải, để bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng.
Hai cụ luôn luôn tạo dựng cuộc sống văn hóa trong gia đình và thực sự gia đình cụ Hoàng Đường là một gia đình văn hóa.
2/ Người con gái công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn.
Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình văn hóa lại trưởng thành trên một quê hương đậm đà bản sắc Nam Đàn, xứ Nghệ. Tiêu biểu cho bản sắc văn hoá Nam Đàn, xứ Nghệ là ví phường vải. Nhiều địa phương ở nước ta có nghề quay xa kéo sợi, có hát giao duyên giữa nam và nữ, ở Thanh Hoá gọi là hát ghẹo, còn ở xứ Nghệ thì gọi là ví phường vải. Ví phường Vải có hầu khắp các địa phương xứ Nghệ, nhưng thịnh hành nhất, có nề nếp, có quy cách, có nhiều tay bẻ câu hát hay, được nhân dân nhiều nơi đến hát và nghe hát nhiều nhất, trở thành một sinh hoạt văn hoá truyền thống thì chỉ có Nam Đàn.
Thực tế này, từ xưa đã đúc kết thành câu ca:
“Thanh Chương là đất cày bừa
Nam Đàn bông vải hát hò thâu đêm”
Trong huyện Nam Đàn thì xã Kim Liên là một trung tâm ví phường vải nổi tiếng, có nhiều sắc thái đặc biệt.
Ví phường vải xuất phát từ lao động, rồi trở lại phục vụ lao động. Đây là một nhân tố quan trọng để tăng năng suất lao động. Có một điều lạ, trong thực tế, sau một đêm ví phường vải, mặc dầu đã thức khuya mất ngủ, sáng hôm sau các chàng trai, cô gái vẫn ra đồng lao động, ra chợ buôn bán vui vẻ, hăng say, hiệu quả công việc nhiều khi được tăng lên rõ rệt. Nhất là sau những đêm đã ví hay, đã bẻ được những câu ví có ý tứ sâu sa, hóm hỉnh, được đối thủ ca ngợi thì họ không còn biết mệt mỏi là gì.
Ví phường vải là một sinh hoạt văn hóa có thủ tục rõ ràng. Thường một cuộc ví phường vải có 3 chặng:
Chặng thứ nhất gồm có: hát dạo, hát chào mừng, hát hỏi.
Chặng thứ hai gồm có: hát đố và hát đối.
Chặng thứ ba gồm có: hát ví mời, ví xe kết (ví tình nghĩa), ví tiễn đưa.
Hai người con của gia đình cụ Hoàng Đường là Hoàng Thị Loan, Hoàng Thị An cũng đã từng lặn lội, lớn lên trong đám ví phường Vải.
Hoàng Thị An tính tình sôi nổi, có giọng hát vừa trong vừa cao, là người con gái ví phường vải hay nhất của xã Chung Cự trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bà đứng đầu phường ví phường vải ở Hoàng Trù, nhân dân thường gọi là phường bà An (sau gọi là phường bà Cu Dũng).
Hoàng Thị Loan thì trầm tĩnh, kín đáo, không sôi nổi như Hoàng Thị An, nhưng rất hóm hỉnh, sâu sắc và nhạy cảm. Trong lao động sản xuất ngoài đồng như gieo cấy, làm cỏ, gặt hái hay ngồi trên khung cửi dệt lụa, dệt vải trong nhà, bà Hoàng Thị Loan thường thủ thỉ bày tỏ cho Hoàng Thị An thủ thuật kiệm chữ, bẻ nghĩa, sáng tác câu ví cho hay để ứng đáp kịp thời với phái con trai.
Tuổi trẻ Hoàng Thị Loan cũng như Hoàng Thị An đã từng được tắm gội trong ngọn nguồn tươi mát của ví phường vải. Chính nhờ những buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian này mà trước đây ở Nam Đàn có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, mặt chữ không đọc được hoặc có khi đọc được rất ít, song nói về nghĩa lý của chữ thì họ lại thông hiểu, có khi đạt tới mức sâu sắc, có người thuộc cả từng chương sách. Bà Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An là trường hợp điển hình như thế.
Bằng những lời ru con thắm thiết của tình mẫu tử, bà Hoàng Thị Loan đã thổi vào tâm hồn tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung những tinh tuý của ví phường vải. Trải nghiệm qua thời gian, lớn lên cùng đất nước, tinh hoa của ví phường vải đã trở thành một trong những tố chất cội nguồn văn hóa Hồ Chí Minh.
Năm 1883, Hoàng Thị Loan đến độ tuổi trăng tròn, trở thành một cô gái nết na, thuỳ mị, luôn luôn vui vẻ, hoà nhã, dung nhan tươi đẹp, duyên dáng, ngày thì chăm việc đồng áng, tối về nhà lại miệt mài canh cửi, trong con người bà Hoàng Thị Loan đã hội tụ đủ bốn đức tính của người phu nữ kiểu mẫu: công, dung, ngôn, hạnh. Nhiều trai làng quanh vùng ngấp nghé tỏ tình.
Theo quan niệm hôn nhân phong kiến, lẽ ra Hoàng Thị Loan sẽ lấy một người chồng con nhà giàu có, đã đậu đạt hoặc đi làm quan. Nhưng được cụ Hoàng Đường hướng dẫn, động viên. Hoàng Thị Loan đã mạnh dạng vượt lên sự ràng buột của lễ giáo phong kiến đương thời, nhất tâm đem lòng yêu thương cậu Nguyễn Sinh Sắc, được gia đình mình đưa về nuôi cho ăn học trong nhà đã mấy năm nay.
Tạo hóa xoay vần, vun trồng, xe kết. Ngày mồng một tết năm Mậu Dần (1878) trên đường đi chúc tết ở làng Sen, cụ Hoàng Đường đã gặp một cảnh tượng đầy xúc động, một chú bé ngồi trên lưng trâu tay cầm quyển sách mải mê đọc, thờ ơ với mọi thú vui ngày tết. Cụ bước tới gần và nhận ra đó chính là chú bé Nguyễn Sinh Sắc đã mồ côi cả cha lẫn mẹ vào lúc 4 tuổi, phải ở với người anh cùng cha khác mẹ. Nguyễn Sinh Sắc ham học, nhưng hoàn cảnh của người anh có nhiều khó khăn, không thể cho em tới học ở trường được. Vốn thông minh và ham học, Nguyễn Sinh Sắc đã học lỏm bạn bè được ít nhiều chữ nghĩa và học say mê tới mức khi giã gạo, lúc nấu cơm trong tay vẫn cầm quyển sách để học. Năm ấy, Nguyễn Sinh Sắc vừa tròn 15 tuổi.
Cụ Hoàng đường đã nhận Nguyễn Sinh Sắc làm học trò. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cụ, chẳng bao lâu, những thiên tư dĩnh ngộ của Nguyễn Sinh Sắc đã bộc lộ khá rõ ràng, hứa hẹn một tương lai đẹp đẽ trên con đường cử nghiệp. Nguyễn Sinh Sắc không những là một học sinh thông minh, hiếu học mà còn là một người siêng năng, hoạt bát trong sinh hoạt, nết na, lễ nghĩa trong giao tiếp nên ông bà cụ Hoàng Đường càng yêu thương như con đẻ và xóm làng hết sức quý mến.
Qua hai năm học tập, sinh sống trong nhà cụ Hoàng Đường, Nguyễn Sinh Sắc tích luỹ được một vốn kiến thức có thể đàm đạo văn thơ với những học sinh lớp trước. Để tài năng Nguyễn Sinh Sắc phát triển cao hơn, ông bà cụ Đường đã mang tiền gạo gửi cậu tới học với nhà nho Nguyễn Thức Tự tại làng Đông Chữ, xã Thịnh Trường (nay là xã Nghi Trường), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Đó là một thầy đồ nổi tiếng khắp cả nước mà theo Phan Bội Châu là người:
“Đạo thông kinh địa
Học bát cổ kim
Kinh sư dĩ đắc
Nhân sư nam tầm”.
Nghĩa là:
Đạo thông cả trời đất
Học rộng khắp xưa nay
Thầy dạy chữ dễ gặp
Thầy dạy làm người khó tìm.
Khi Nguyễn Sinh Sắc đến tuổi 18, Hoàng Thị Loan cũng đến tuổi cặp kê, cụ Hoàng Đường có ý định rất tốt đẹp là chọn Nguyễn Sinh Sắc làm con rễ đầu. Cụ Đường bàn việc này với vợ. Cụ Nguyễn Thị Kép mới đầu còn theo quan niệm cũ cho rằng gia đình mình cả nội lẫn ngoại đều là những nhà nho có danh tiếng trong vùng, dựng vợ gả chồng cho con phải môn đăng, hộ đối, “trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi”. Nay việc gả con gái đầu lòng cho một người mồ côi cả cha lẫn mẹ, bấy lâu nay do ông bà nuôi nấng, sợ làng xóm chê cười nên có phần chưa ưng thuận.
Cụ Hoàng Đường bèn bày tỏ ý định tốt đẹp của mình với bố vợ là cụ Nguyễn Văn Giáp, cụ Giáp đã khuyên nhủ con gái mình và cả cháu gái mình nên yêu thương, đùm bọc người có tài, có đức mà gặp phải hoàn cảnh éo le.
Hai năm sau, ngày cưới của Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan được tổ chức vào mùa sen nở năm Quý Mùi (1883). Ông bà cụ Đường dựng ngôi nhà lá ba gian đầu góc vườn phía tây nhà mình cho đôi vợ chồng mới cưới có chỗ ở riêng. Từ đó, Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng của ngừơi vợ trẻ. Sự lao động sớm hôm của Hoàng Thị Loan là sự động viên lớn lao và là cơ sở vững chắc trên con đừơng cử nghiệp của ông.
Chính trong ngôi nhà tranh ba gian đó các cháu ngoại của ông bà Hoàng Đường lần lượt ra đời và được ông ngoại đặt tên cho là Nguyễn Thị Thanh (tự Bạch Liên), Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt), Nguyễn Sinh Cung (tự Tất Thành). Năm Tân Mão (1891), Hoàng Thị Loan 23 tuổi, kết quả lao động tần tảo sớm hôm của bà đã nuôi ba con khôn lớn và chuẩn bị kinh phí, lều chõng cho chồng đi dự kỳ thi Hương lần đầu.
Kỳ thi này ở xã Kim Liên có ba người đi thi là Vương Thúc Quý, Nguyễn Đậu Tài và Nguyễn Sinh Sắc. Chuẩn bị bước vào trường thi, Nguyễn Đậu Tài phải bỏ cuộc về nhà lo tang cha, Nguyễn Sinh Sắc chỉ lọt đến nhị trường, chỉ có Vương Thúc Quý đậu cử nhân.
Chưa thành đạt trên con đường cử nghiệp, Hoàng Thị Loan đã kiên trì động viên chồng tiếp tục dùi mài kinh sử để dự kỳ thi Hương tới sau 3 năm chờ đợi nữa.
Nhưng hai năm sau đó, ngày mồng 7 tháng 4 năm Quý Tỵ (1893), Hoàng Thị Loan và Nguyễn Sinh Sắc phải chịu một cái tang lớn là cụ Hoàng Đường qua đời đột ngột giữa tuổi 58 (1835-1893). Trước khi trúc hơi thở cuối cùng, cụ Hoàng Đường đã trăn trối lại là dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, gia đình cũng phải tiếp tục tạo điều kiện cho Nguyễn Sinh Sắc học tập và đậu đạt thành danh. Nhớ lời trăn trối đầy lòng nhân ái và trách nhiệm của cha, Hoàng Thị Loan càng động viên chồng cố gắng trau dồi văn chương, dùi mài kinh sử để đền đáp lại nghĩa tình sâu nặng của cụ Hoàng Đường đã yên nghỉ dưới suối vàng.
Năm bà Hoàng Thị Loan 26 tuổi, khoa thi Giáp Ngọ (1894), Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân ở trường Nghệ.
Từ năm 1883 đến năm 1894, mười một năm trời trong ngôi nhà tranh ba gian, bà con làng Hoàng Trù đã chứng kiến một cảnh hết sức quen thuộc, đầm ấm thi vị của đôi vợ chồng trẻ: “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Suốt mười một năm trời, bà Loan đã một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng, đến bữa về lo cơm nước cho chồng, cho con, tối đến ngồi trên khung cửi, vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con ngủ, nhiều đêm thức tới khuya để động viên chồng ôn luyện văn chương, đỡ phần hiu quạnh. Bà không những chỉ tạo ra cơ sở vật chất đơn thuần, mà bà còn là người nối chí, tiếp sức cho chồng qua những lời tâm tình và những lời hát ru con nhè nhẹ:
“À ơi…
Ru con, con ngủ đi nào,
Mong con khôn lớn nên người khôn ngoan,
Làm trai gánh vác giang sơn.
Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào,
Ru con, con ngủ đi nào,
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng.
Làm trai quyết chí anh hùng.
Ra tay xây dựng vẫy vùng nước non”.
Số vải bà dệt được thường bán đi để nuôi sống gia đình, đồng thời bà cũng không quên để giành một phần cho chồng khi kỳ thi đến và sắm tết hàng năm cho gia đình trong dịp đón xuân sang. Nhiều tết bà để vải may quần áo cho con, cho chồng, còn phần mình bà chỉ mặc chiếc áo vá vai.
Các cụ ở đây kể rằng: Kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ (1894), khi được tin ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân về làng, bà Hoàng Thị Loan vẫn đang ở ngoài đồng cấy tiếp thửa ruộng vụ mười. Có người chạy ra tận ruộng báo tin mừng và mời bà về nhà chuẩn bị trầu nước đón chồng và bà con làng xóm đến mừng.
Sau giây phút xúc động, bà từ tốn, nhẹ nhàng nói: “Đậu thì mừng, ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn”, rồi bà rốn lại cấy cho đến quá trưa, xong thửa ruộng mới trở về.
Trước sự thành đạt của chồng, bà hết sức phấn chấn, song cũng hết sức trầm tĩnh.
Học vị cử nhân của ông Nguyễn Sinh Sắc giành được trong khoa thi Hương năm Giáp Ngọ vừa là công lao dùi mài kinh sử, bền chí luyện rèn của ông trong 16 năm trời (1878-1894), vừa là kết quả lao động cần cù, chịu đựng gian lao vất vả, và là tình cảm sâu nặng của bà Hoàng Thị Loan đối với chồng con trong suốt 11 năm trời sống trên quê hương Chung Cự.
Sau khi đỗ cử nhân, Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế lần đầu dự kỳ thi Hội năm Ất Vị (1895), nhưng không đậu, ông Sắc đủ tiêu chuẩn vào làm giám sinh trong Quốc Tử Giám để tu luyện văn chương, chờ kỳ thi Hội tới.
Cuối năm 1895, hoàn cảnh gia đình của bà hết sức gieo neo: Em gái Hoàng Thị An đã đi lấy chồng, cụ Nguyễn Thị Kép tuổi đã ngoài sáu mươi. Tuy hết lòng thương yêu mẹ già và quyến luyến với quê hương xứ sở đã gắn bó với gia đình mình từ nhỏ đến lớn, nhưng với tấm lòng tha thiết muốn chồng tiếp tục học hành, đậu đạt cao hơn, bà đã gửi con gái đầu lòng mới 11 tuổi ở lại với mẹ già, rồi đưa con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi), gồng gánh theo chồng vào Huế để nuôi chồng, nuôi con, tạo điều kiện vật chất và tình cảm để chồng yên tâm học tập ở trường Quốc Tử Giám.
Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh sắc.
3/ Bà cử nhân người Nghệ sống ở kinh đô Huế.
Một ngày vào mùa Đông năm Ất Vị (1895), bà Hoàng Thị Loan cùng chồng và hai con trai đã vào tận kinh đô Huế. Nhờ bà con quen biết tận tình giúp đỡ, sau một thời gian ngắn gia đình bà đã thuê được một ngôi nhà nhỏ ở gần cửa Đông Ba (nay là số nhà 114 đường Mai Thúc Loan, Huế).
Hình ảnh này đã được nhà thơ Thanh Tịnh viết trong tác phẩm “Đi từ giữa một mùa sen” như sau:
“Vào kinh đô phố xá quen dần,
Giấc mơ đêm lạnh mới lần đường ra.
Ăn nhờ, ở trọ lân la,
Mới thuê được một gian nhà hướng nam.
Xế hiên một góc mai vàng,
Trước sân dâm bụt một hàng rào thưa.
Bên này nhà chú thợ cưa
Bên kia nhà một viên thừa bộ binh.
Dãy nhà lợp ngói bếp tranh
Chênh vênh nhìn phía cổng thành Đông Ba”
(Trích Thanh Tịnh – “Đi từ giữa một mùa sen” Ty Văn Hoá Thông Tin Nghệ An năm 1975-trang 21).
Sau khi sắp xếp ổn định nơi ăn, chốn ở, bà Hoàng Thị Loan quyết định lấy nghề dệt vải truyền thống ở quê nhà làm nghề lao động chính để sinh sống.
Bà là người khéo tay ở quê hương Chung Cự. Vải lụa bà dệt được nhân dân quanh vùng ưa dùng, nhưng bây giờ đối với thị hiếu của dân kinh thành Huế bà phải cố gắng hết sức mới cạnh tranh nổi kỹ thuật tiên tiến điêu luyện ở đất đế đô.
Với tấm lòng cao đẹp của một người mẹ không muốn chịu để cho con mình quá thiếu thốn, với quyết tâm của một người vợ không muốn chồng phải ngưng học tập vì thiếu cơm áo, nên qua hơn 5 năm trời (1895-1901) khung cửi của bà luôn rộn tiếng thoi đưa. Cuộc sống vật chất của bà cử nhân người Nghệ ở Huế chủ yếu dựa vào những tấm vải do bà dệt thành. Có thể bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con bà đã dệt nên cuộc đời, sự nghiệp đẹp đẽ của chồng và của những người con. Mặc dầu bà dồn hết tất cả tâm lực lao động, cuộc sống của gia đình vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Những tấm vải dệt được đều phải bán đi để nuôi chồng ăn học suốt ba năm trời ở trường Quốc Tử Giám (1895-1898) và trang trải cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của ba mẹ con. Cho nên ngay cả khi tết đến xuân về bà cũng không dành dụm được ít vải để may quần áo mới cho mình.
Cảnh ngộ này được nhà thơ Thanh Tịnh viết tiếp trong tác phẩm “Đi từ giữa một mùa sen”:
“Nhớ ra đã mấy năm trời
Vải vừa dệt trọn lại rời đi xa.
Phần đưa thay trả tiền nhà,
Phần đem đổi gạo sống qua tháng ngày.
Nồi cơm hai bữa chưa đầy,
Bụng đâu còn rỗi lo may áo quần.
Tết qua nhớ buổi sang xuân,
Con quan lối phổ quây quần mấy nơi.
Rộn ràng bày đủ trò chơi,
Liên miên tràng pháo tiếng cười hoà vang.
Lanh canh khánh bạc, nhạc vàng.
Cườm giày rung sắc, tua khăn đủ màu.
Con mình độc chiếc áo nâu,
Lờ mờ thân trước, tà sau đã sờn.
Mẹ bèn tìm mẩu lụa trơn,
Vá ngay giữa ngực hình vuông sắc hồng.
Áo người đẹp cả ngòai trong,
Áo con chỉ mới giữa khung lụa này.
Thấy con mừng rỡ thơ ngây,
Mẹ càng tuổi phận, xót ngày gieo neo.
Nhìn quanh nào chỉ mình nghèo,
Trướng buông một bức ruột teo mấy tầm”.
Tuy cuộc sống vật chất thiếu thốn trăm bề như vậy nhưng bà Hoàng Thị Loan vẫn luôn lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp của chồng và nuôi một niêm hy vọng lớn lao vào tương lai của các con.
Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền bác học xuyên thấm qua một nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân xuyên thấm qua tình mẫu tử. Bà đã nêu một tấm gương trong sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Ở đâu bà cũng thể hiện một lối sống vui vẻ, vô tư, có nghĩa, có tình được mọi người hết sức yêu mến và quý trọng. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Vì vậy, ngay từ thuở ấu thơ, những người con của bà đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, biết kính trọng những người trên, biết sống chan hòa với bạn bè, giàu lòng vị tha, nhân ái, biết nhường nhịn mọi người.
Bà con ở Hoàng Trù đến nay thường kể lại rằng: có lần dì Hoàng Thị An đi chợ Cầu bán rau thơm, rồi mua ít kẹo gửi chị đưa về trước cho cháu. Được mẹ chia kẹo, cậu Cung chưa vội ăn ngay, khi dì An đi chợ về, cậu liền đem chiếc kẹo của mình biếu dì. Bà An thấy đó là chiếc kẹo của mình mua cho cháu nên hết sức cảm động, bà ôm cháu vào lòng và đặt lên trán một cái hôn âu yếm.
Lần khác, vào lúc 5 tuổi, trên đường theo cha mẹ vào Huế, cậu Cung nhặt được một quả cau, cậu liền lấy vạt áo lau sạch rồi cất vào túi. Mọi người tưởng cậu nhầm là quả chanh nên hỏi lại, cậu thưa ngay: “Con biết đây không phải là quả chanh mà là quả cau. Con lau sạch cất vào túi để chiều về biếu bà”. Nghe cậu nói, ông Sắc và bà Loan vui sướng nhìn con một cách trìu mến.
Sinh trưởng trong một gia đình nho học truyền thống tiến bộ, lớn lên trong một vùng quê giàu tinh thần yêu nước và đậm đà những làn điệu dân ca trữ tình, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, bà Hoàng Thị Loan sớm trở thành một con người thông minh, có vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú. Bà đã truyền lại tất cả cho con qua lời ru ấm cúng, mượt mà nên tuổi thơ của các con đã hấp thụ được những tấm gương nghĩa liệt yêu nước, thương nòi, lời ca tiếng hát đã nhen nhóm vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Sau này đã được thể hiện một cách cụ thể ở lòng nhân ái mênh mông của Bác Hồ.
Đêm đêm, sau rặng tre xanh, dưới mái nhà tranh thanh bạch quen thuộc của làng Hoàng Trù, tiếng ru à ơi của mẹ đã đưa con vào giấc ngủ say nồng bằng những lời chói ngời đạo lý:
“Con ơi, mẹ dặn câu này,
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.
Làm người đói sạch rách thơm,
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.
Về sau, trong lúc bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đêm khuya nghe một người mẹ Việt kiều ru con, kỷ niệm êm đềm tuổi thơ lại trào dâng trong lòng Bác:
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.
Năm 1910, khi ngồi biên khảo tập dân ca, tục ngữ ở Nghệ Tĩnh cho tên Công sứ Ôgiê, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã bổ sung nhiều câu phản ánh thuần phong mỹ tục, tinh thần đấu tranh chống áp bức bóc lột của nhân dân. Vốn hiểu biết đó có nguồn gốc từ lời ru của mẹ ngày xưa.
Bà Hoàng Thị Loan đã để tâm sức rất nhiều truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lởi rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu. Là một bà mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy cho con biết yêu lao động, biết làm những công việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách mê say, chịu khó và sáng tạo. Nhờ vậy, đến năm 1901, sau khi bà mất, Nguyễn Sinh Cung từ Huế trở về Hoàng Trù, mặc dù tuổi nhỏ, đã đỡ đần nhiều việc cho bà ngoại. Bằng lao động, cậu Cung đã có trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Ở độ tuổi 11, cậu đã để lại trên quê hương những ấn tượng cao đẹp về cách cư xử với bạn bè trong những lần đi tắm ao ở làng, đi câu cá ở ao ông Tùa, thả diều ở cánh đồng Én và đánh trận giả trên núi Chung v.v…
Trong sinh hoạt hàng ngày, bà Loan sống giản dị, tiết kiệm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tính cách này cũng đã ảnh hưởng sâu sắc tới con cái. Bà tập cho con làm những điều tốt và thực tế đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của các con, cậu Khiêm rất cần cù, chịu khó đi nhặt mo cau làm củi đun, nhưng lại sẵn sàng bớt gạo, bớt khoai của mình cho bà con nghèo quanh xóm.
Sau những lần đi nhặt thóc rơi vãi ở ngoài đồng, cậu Cung thường vui vẻ chia lúa cho bạn bè, vì bạn kiếm được quá ít v.v…
Nếp sống giản dị thanh tao đó của bà Hoàng Thị Loan đã được phản ánh rõ ràng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898), sau ba năm theo học ở trường Quốc Tử Giám, ông Nguyễn Sinh Sắc đi dự kỳ thi hội lần thứ 2. Nhưng kỳ thi này cũng bị trượt. Cuộc sống vật chất của gia đình càng gặp khó khăn, nhưng bà Hoàng Thị Loan vẫn một lòng, một dạ kiên trì, nhẫn nại động viên chồng yên tâm ôn luyện văn chương, chờ kỳ thi tiếp năm Tân Sửu (1901).
Năm 1900, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con trai út, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin, vì sinh ra trong cảnh ngộ thiếu thốn trăm bề, cái gì cũng phải đi xin bà con lao động láng giềng. Từ khi sinh thêm cậu Xin, cuộc sống quá chật vật, vất vả, kham khổ, bà ốm đau luôn. Trước đó ít lâu, ông Nguyễn Sinh Sắc lại được triều đình cử đi tham gia tổ chức kỳ thi Hương khoa Canh Tý ở Thanh Hoá. Người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm cũng được đi Thanh Hoá để giúp đỡ ông Sắc trong sinh hoạt hàng ngày.
Ở Huế, còn lại mình cậu Nguyễn Sinh Cung mới 10 tuổi đã phải lo liệu mọi việc, khi bà Loan phải nuôi em Xin mới sinh, rồi bị ốm phải nằm trên giường bệnh, rồi qua đời đột ngột ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý):
“Hôm sau mẹ ốm liệt giường
Nằm không trăn trở tóc vương ngắn dài.
Gần trưa cậu lại ra ngoài,
Mua cơm thường lệ như vài tháng nay.
Liễn sành quen xách đổi tay,
Đi về quen nếp bóng cây bước dồn.
Trưa còn hai buổi mua cơm,
Sau cơm hoặc cháo sớm hôm hai lần.
Trưa về mới đến trước sân,
Nghe em khóc thét, cậu băng chạy vào.
Bò trên ngực mẹ em gào,
Miệng day vú mẹ sữa nào còn đâu.
Im lìm mẹ mất từ lâu,
Vào hồi giống giả trống lầu điểm trưa.
Bên ngoài trời lại đổ mưa,
Mành rơi lẩy bẩy bóng đưa vật vờ.
Tiếng gào thảm thiết trẻ thơ,
Hoà vang gió lộng dật dờ vọng xa”.
Bà Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời khi vừa kết thúc tuổi 32, sắp sửa bước sang tuổi 33, khi ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, ở kinh đô Huế chỉ còn lại Nguyễn Sinh Cung 10 tuổi, Nguyễn Sinh Xin vừa chào đời được vài tháng, thời điểm chỉ còn có 8 ngày thì đến giao thừa tết Tân Sửu (1901).
Nguyễn Sinh Cung bế em Xin đón tết trong cảnh đại bất hạnh mất mẹ, vắng cha, vắng cả anh chị. Hình ảnh bà Hoàng Thị Loan là người phụ nữ thiệt thòi nhất trên đời này đã khắc sâu trong tâm khảm của Nguyễn Sinh Cung, không bao giờ quên được. Sau này trên con đường đấu tranh cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả tâm huyết để giải phóng cho được phụ nữ, giải phóng cho được một nửa nhân loại có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống đời thường và cả trong công tác xã hội.
4/ Đưa mẹ trở về lại quê hương.
Theo quy định của triều đình Huế hồi đó, nhân dân sống trong thành nội Huế, khi chết con cái không được khóc to, không được đánh trống phát tang, vì sợ tiếng khóc ai oán, thương nhớ đó, tiếng trống phát tang theo nhịp điệu thê thảm đó làm ảnh hưởng đến niềm vui của đấng tối cao đang ngự trị trong lầu son, gác tía. Thi hài của người quá cố cũng không được đưa ra các cổng lớn như An Hòa, Đông Ba, Thượng Từ mà phải đưa ra cổng phụ.
Thi hài của bà Hoàng Thị Loan, được bà con lao động trong phố Đông Ba phải dẫn qua cổng Thanh Long, qua sông Gia Hội, vượt sông Hương lên táng ở núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình, bên hữu ngạn dòng sông Hương thơ mộng của kinh thành Huế. Đường từ nhà lên huyệt mộ khá xa, đám tang bà Hoàng Thị Loan thật lạnh lẽo, đơn thương:
“Đường dài một sáng trời trong,
Người đi đưa đám mấy dòng leo teo.
Áo quan phất giấy hồng điều,
Nắp trên mẫu nến cắm theo dãy dài.
Bát cơm quả trứng sơ sài,
Đặt ngay chính giữa cắm vài nén hương.
Gánh khiêng có tám dân phường,
Chú Lần cầm đuốc dẫn đường đám tang.
Bà Tâm đi ở cuối hàng,
Cậu Cung lẽo đẽo theo ngang bên bà.
Phòng ngừa gió núi buốt da,
Áo sờn, áo cũ mặc ba bốn tầng.
Mới chăng chỉ chiếc khăn tang,
Một màu trắng lạnh chứa ngàn xót xa.
Vải này tay mẹ dệt ra,
Định cho con áo mặc qua tháng ngày.
Ai ngờ đang chục gang tay,
Sinh em ngừng dệt, ngắn dài dở dang.
Vô tâm mà khổ vô vàn,
Xa con me dệt khăn tang trước rồi”.
Sau tết Tân Sửu (1901), nhận được tin vô cùng đau xót, cả nhà bàng hoàng, cả họ lo lắng, Nguyễn Sinh Sắc vội vàng trở vào kinh đô Huế, cảm ơn bà con lao động láng giềng đã mai táng bà Hoàng Thị Loan chu toàn, nén đau thương lên núi Tam tầng trong dãy Ngự Bình thắp hương bái lạy hương hồn vợ, rồi cùng với cậu Cung bồng bế Nguyễn Sinh Xin trở về quê hương Hoàng Trù sống nhờ vào sự ôm ấp của bà Nguyễn Thị kép.
Mấy tháng sau, tuy đang trong hoàn cảnh để tang cho bà Hoàng Thị Loan, nhưng kỳ thi Hội Tân Sửu đến, Nguyễn Sinh Sắc đang lâm vào cảnh ngộ bối rối. Tuổi đời đã 38, có 4 con, không kế sinh nhai, không nguồn thu nhập, tất cả nhờ người vợ thân yêu vì sự nghiệp học tập của mình mà phải từ giã cõi đời về chốn vĩnh hằng quá đột ngột, nên đã cố gắng trở lại kinh đô Huế, kịp đua chen ở chốn trường thi, một lần nữa thi trí thử tài cùng thiên hạ. Kết quả kỳ thi này, Nguyễn Sinh Sắc đã giành được học vị Phó bảng và trong lễ xướng danh được vua Thành Thái tặng biển “Ân tứ ninh gia” (ơn ban cho gia đình tốt).
Có thể nói bà Hoàng Thị Loan là người xây nền đắp móng, tạo đà quan trọng để ông Nguyễn Sinh Sắc thành đạt trong kỳ thi Hội Tân Sửu (1901). Nhưng khi ông Nguyễn Sinh Sắc đã làm được việc mà người đời cho là hiện tượng “cá vượt vũ môn” thì bà Hoàng Thị Loan không còn trên thế giới trần giang nữa, do đó mặc dù làng Kim Liên có tặng thưởng cho 200 quan tiền, nhưng ông Sắc không dành tổ chức lễ ăn mừng trong dịp vinh quy bái tổ mà để giúp người nghèo làm kế sinh sống.
Tháng 5 năm 1906, triều đình Huế có giấy vời ông Sắc vào giữ chức Thừa Biện ở bộ Lễ Nghi, khi đi ông đã đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế học tập. Ngôi mộ bà Loan trên dãy núi Ngự Bình vẫn được cha con ông Sắc chăm chút hương khói ấm cúng. Đến ngày 1 tháng 7 năm 1909, triều đình Huế chuyển ông Sắc đến làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, Nguyễn Sinh Khiêm trở lại sống ở quê nhà Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung sau khi tham gia cuộc biểu tình chống thuế tháng 5 năm 1908 của đồng bào Thừa Thiên Huế, lần theo bờ biển đi vào các tỉnh phía nam, đến ngày 5 tháng 6 năm 1911 xuống con tàu Đô dốc Latouche Tréville, vượt qua trùng dương đi sang các nước phương Tây, mở đầu cho hành trình cứu nước dài 2 vạn km, với 30 năm (1911-1941) vượt qua 28 nước khắp Âu, Mỹ, Á, Phi. Quãng thời gian dài 13 năm (1909-1922), ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan tuy không có sự hương khói của người thân trong gia đình, nhưng có sự quan tâm của bà con lao động sống ở khu phố Đông Ba và những người thân quen trong kinh thành Huế.
Cũng trong thời điểm này, ở quê hương Kim Liên, người con gái đầu lòng của bà Hoàng Thị Loan là Nguyễn Thị Thanh, được nhân dân tôn vinh là Bạch Liên nữ sĩ, đã hoạt động tích cực chống Pháp dưới ngọn cờ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Để giải phóng dân tộc, tới ngày 25 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1917) ngày 5 tháng 2 năm 1918 Nguyễn Thị Thanh Phối hợp với Nguyễn Kiên tổ chức lây trộm súng trong doanh trại của lữ đoàn lính khố xanh đóng tại thành Vinh. Bị địch phát giác nên cô Nguyễn Thị Thanh bị chúng nhốt vào nhà tù tra tấn dã man. Ngày 4-6-1918, thực dân Pháp chỉ thị cho bọn phong kiến Nam Triều mở phiên tòa số 80 xử phạt Nguyễn Thị Thanh 100 trượng và 9 năm khổ sai. Ngày 2/12/1918, chúng đày Nguyễn Thị Thanh vào giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Án sát tỉnh Quảng Ngãi lúc đó là Phạm Bá Phổ có người vợ bị bệnh đau ở vú không cho con bú được. Nhiều thầy thuốc trong vùng ra sức cứu chữa nhưng không khỏi. Thương người phụ nữ bị bệnh hoạn như vậy, Nguyễn Thị Thanh đã dùng phương thuốc nam của mình chữa cho, ít ngày sau bệnh khỏi, dòng sữa con bú được phục hồi. Từ đó Phạm Bá Phổ rất kính nể cô Nguyễn Thị Thanh.
Thấy cô Thanh là ngừơi xinh đẹp, thông minh, Phạm Bà Phổ muốn đưa về nhà riêng làm hành dịch và dạy cho con cái học.
Quy chế của thực dân Pháp và triều đình Huế cấm việc đó, nhưng tên Xô chi nhánh mật thám Trung kỳ, là người anh kết nghĩa của Phạm Bá Phổ đã cho phép Phổ đưa cô Thanh từ nhà tù về ở trong nhà riêng của mình. Đây là một biệt lệ.
Năm 1922, Phạm Bá Phổ được bọn thực dân Pháp nâng đỡ, chỉ thị cho triều đình Huế thăng cho Phổ làm tham tri bộ hình. Phạm Bá Phổ ra kinh đô Huế cũng đưa Nguyễn Thị Thanh ra Huế luôn.
Ra kinh đô Huế được ít lâu, cô Thanh yêu cầu Phạm Bá Phổ để cho cô tách khỏi nhà riêng của y và chịu sự quản lý của bọn thống trị ở Huế theo chế độ tù án trí.
Để người mẹ kính yêu phải nằm lại một mình ở kinh thành Huế xa cách quê hương Kim Liên gần 400km, lòng day dứt khôn nguôi nên khi được chuyển sang chế độ án trí, Nguyễn Thị Thanh tìm cơ hội cùng với mấy người bạn gái thân thiết đã bí mật lấy hài cốt bà Hoàng Thị Loan, dùng nước thơm rửa sạch gói vào tấm lụa quý, cho vào một cái túi đẹp giống như hành lý của người khách đi đường rồi đi bộ theo đường Thiên Lý, hơn hai tuần lễ mới về đến quê hương Kim Liên. Trên đường đi nhiều lúc mệt nhọc, túi đựng hài cốt bà Loan đè nặng trĩu trên vai cô Thanh. Cô Thanh lại thành thật khấn: Mẹ mang con trong lòng 9 tháng 10 ngày, mẹ phấn khởi chịu đựng, nay con đưa mẹ trở lại quê hương Kim Liên, mẹ phù hộ cho con chân cứng đá mềm, để con đưa mẹ về quê được nhẹ nhàng. Mỗi lần câu khấn thành tâm như vậy, cô Thanh thấy túi hài cốt của mẹ dường như cũng có phần nhẹ hơn. Ngày đi, tối nghỉ, khi vào nhà ai ngủ nhờ, túi hài cốt treo ngoài bụi rậm. Trí tuệ minh mẫn và dũng khí mãnh liệt của người con chí hiếu đối với mẹ đã giúp cho cuộc hành trình đầy mạo hiểm của Nguyễn Thị Thanh không hề gặp cản trở, khó khăn gì. Quả thật, theo tập tục hồi ấy, đưa một bộ hài cốt đi xa như vậy không dễ dàng gì, nhưng Nguyễn Thị Thanh đã làm thành công tốt đẹp. Bà con họ hàng, quê hương đã chân thành đánh giá đây là một việc làm phi thường đối với người con gái hành động, lo liệu một thân một mình.
Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được yên vị trong khu vườn nhà ông Nguyễn Sinh Sắc tại làng Kim Liên.
5/ Huyệt đất Ao Hồ trong tầm nhìn của người con trai chí hiếu.
Nguyễn Sinh Khiêm, người con trai cả của ông Sắc và bà Loan cũng là người có chí khí, giàu tinh thần yêu nước và hoạt động cứu nước dưới ngọn cờ chính nghĩa của Phan Bội Châu, trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đội Quyên và Đội Phấn. Năm 1913, tuy mới 25 tuổi, nhưng là người thông minh, có nhiều hiểu biết, có lòng thương dân nên được nhân dân làng Kim Liên tín nhiệm cử giữ chức Hương hào.
Hoạt động với cương vị Hương hào, là hoạt động bề ngoài để che mắt địch, thực ra lúc này, Nguyễn Sinh Khiêm đã bí mật tham gia tổ chức đấu tranh chống Pháp bằng cách vận động tài chính để tiếp tế cho nghĩa quân đang đóng ở căn cứ Bồ Lai (Thanh Chương và Đông Hồ (Tân Kỳ)).
Năm 1914, bọn thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều cho rằng Nguyễn Sinh Khiêm biết tung tích tổ chức Đội Quyên, Đội Phấn, chúng mời cậu xuống Vinh vừa hăm dọa, vừa mua chuộc. Chúng đưa cho Nguyễn Sinh Khiêm một số tiền lớn và hứa nếu bắt được Quyên, Phấn sẽ được thưởng nhiều nữa. Nguyễn Sinh Khiêm vui vẻ nhận số tiền đó, song không hề tiêu dùng cho cá nhân đồng nào, mà đã tiếp tế toàn bộ cho nghĩa quân.
Ít lâu sau, sự việc bại lộ. Ngày 1 tháng 4 năm 1914, Nguyễn Sinh Khiêm bị chúng bắt, giam ở nhà lao Vinh. Sau một thời gian tra tấn, truy tìm, ngày 25 tháng 9 năm 1914 chúng mở phiên tòa xét xử và kết án cậu 3 năm tù khổ sai.
Ba tháng sau, Nguyễn Sinh Khiêm phối hợp với thầy giáo Nguyễn Thức Văn, người xóm Trung Hòa, làng Kim Liên tổ chức vượt ngục. Nhưng chưa ra khỏi phòng thì bị bại lộ, chúng lại kết án thêm tội “gây phiến loạn”.
Ngày 6 tháng 1 năm 1915, chúng đưa Nguyễn Sinh Khiêm ra toà án xét xử lại và tăng án lên 9 năm tù khổ sai.
Ngày 31 tháng 7 năm 1915, chúng đày Nguyễn Sinh Khiêm vào làm khổ sai đắp đường tại huyện Ba Ngòi, tỉnh Nha Trang (nay là Khánh Hoà) Nguyễn Sinh Khiêm phải lao động cực nhọc ở đây 5 năm trời. Đến ngày 17 tháng 3 năm 1920, chúng chuyển Nguyễn Sinh Khiêm về giam lỏng ở Huế theo chế độ tù án trí. Mãi đến ngày 6 tháng 2 năm 1940 Nguyễn Sinh Khiêm mới được trở về quê trên một chuyến tàu hỏa khởi hành lúc 6h39 phút.
Sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc Pháp(1) được ít lâu, Nguyễn Sinh Khiêm đi khắp các dãy núi trong huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên tìm nơi các địa để đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan lên táng ở đó. Cuối cùng Nguyễn Sinh Khiêm tìm được một huyệt đạo trên núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ ở địa phận xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang). Hồi đó, theo thuyết phong thuỷ trong dân gian, ở vùng Nam Đàn vẫn truyền tụng câu ca: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” (nghĩa là ở trên con voi trắng trong xứ Ao Hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời). Không biết từ lúc nào nhân dân đã huyền thoại câu ca phong thuỷ ấy như sau: “Ở xứ Ao Hồ có một huyệt đất phát một con người, đế chẳng phải đế, vương chẳng phải vương, đi khắp tứ phương, về đứng đầu thiên hạ”.
(1)Do một số hoạt động mang tính chất yêu nước và cách mạng, ông Khiêm lại bị thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam Triều bắt và bị xử án tù đến tháng 8 năm 1941, ông mới được ra khỏi nhà lao Vinh (BT).
Nhân dân quanh vùng có đến 36 dòng họ muốn con cháu mình dược làm vua nên đã đưa hài cốt tổ tiên lên táng ở thung lũng Ao Hồ. Theo truyền thuyết nhân dân kể lại là trước đây có một người thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) đã vào tận Ao Hồ vỡ hoang đất cày trại, làm lều ngủ ở đó. Một đêm trời mưa gió ầm ầm, thổ thần ứng mộng nói rằng, huyệt đế vương này cho dòng họ khác chứ không cho dòng họ Nguyễn nhà con. Người dân họ Nguyễn từ đó dỡ lều về, không dám ngủ trong xứ Ao Hồ nữa.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm đã mời các thầy địa lý quanh vùng đến đây bàn bạc xác định huyệt địa linh. Hầu hết các thầy địa lý nói nên xác định trong thung lũng Ao Hồ, nơi đó có tới 36 ngôi mộ của 36 dòng họ cát táng nhưng chưa đắt địa. Sau khi nghiên cứu, quan sát kỹ địa hình, mạch đất, thế núi vùng Ao Hồ, Nguyễn Sinh Khiêm nói với các thầy địa lý: “Nếu táng được huyệt đất trong thung lũng Ao Hồ, thì con cháu chỉ hưởng được lộc trong làng, trong xã. Tôi định đưa hài cốt của mẹ tôi lên mỏm núi Động Tranh thấp, nếu phát thì sẽ ăn lộc cả nước."
Ở huyết cát địa đó có độ cao gần 100m (so với mặt biển), sau lưng có Động Tranh cao làm “huyền vũ” như ngai tựa vững vàng, bên trái có động Khe Cùng làm “tả Thanh Long”, bên phải có động Ao Hồ làm “hữu Bạch hổ”, phía ngay trước mộ có động Dù làm “án sơn” (gọi là Chu Tước), xa xa có ngọn núi cao nhất, có dãy núi Trà Sơn làm Triều sơn hướng chầu về. Phía trước có dòng sông nhỏ chảy từ Nộn hồ qua trước khu mộ chảy về xuôi gặp sông Lam ở ngã ba Hạc, làm tiểu mạch, xa xa phía trước có dòng sông Lam giang lững lờ chảy, có xóm làng hai bên bờ sầm uất trù phú làm đại mạch thủy.
Huyệt đạo này có đại minh đường là cánh đồng Lùm Cựu ở phía ngoài núi Dù rất rộng rãi thoáng đãng.
Theo lý thuyết phong thủy, huyệt đạo này đạt được đủ tiêu chí cát địa hay gọi là linh địa.
Một ngày tốt lành đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), Nguyễn Sinh Khiêm biện lễ trầu rượu đến làm thủ tục xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt (nay là Nam Giang) dẫn 2 người cháu thân tín là Nguyễn Sinh Vinh ở xã Kim Liên (nay đã trên 80 tuổi, đang còn sống) và Nguyễn Luận ở Hữu Biệt (mới chết cách đây mấy năm), lên đào chính huyệt rải rác sườn núi Động Tranh thấp. Đêm về khuya, một mình Nguyễn Sinh Khiêm lặng lẽ khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn, lấp đất lại, sáng hôm sau hai người cháu chỉ việc lấp đất đá cả chín huyệt cho bằng như cũ. Như thế, hài cốt bà Hoàng Thị Loan đưa từ khu vườn quê nhà lên ngọn núi Động Tranh thấp được táng bằng và bí mật, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết cụ thể ở chỗ nào. Kỳ giỗ lần thứ 49 của cụ Hoàng Đường (ngày 7 tháng 4 năm Nhâm Ngọ - 1942), Nguyễn Sinh Khiêm đã báo cáo cho bà con thân tín trong họ biết là đã cát táng bà Loan lên mảnh đất cát địa trên núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ. Ông Nguyễn Sinh Khiêm bày tỏ lòng tin vào việc làm chí hiếu của mình đối với người mẹ rất mực kính yêu, và tin tưởng ngôi mộ sẽ phù hộ cho con cháu, dòng họ.
Suy nghĩ việc làm của Nguyễn Sinh Khiêm là theo thuyết phong thủy xưa nay. Thực tế cuộc đời Nguyễn Sinh Khiêm có một thời kỳ đã làm nghề địa lý, phục vụ cho yêu cầu tâm linh của nhiều gia đình trong vùng, được nhân dân ghi nhận. Việc làm của Nguyễn Sinh Khiêm là một việc làm chính đáng để bày tỏ lòng hiếu thảo với người mẹ kính yêu của mình.
Có một điều ngẫu nhiên đã diễn ra trong lịch sử là tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942) khi hài cốt bà Hoàng Thị Loan được đưa lên cát táng trên núi Động Tranh thấp thuộc dãy núi Đại Huệ ở xã Hữu Biệt (nay là Nam Giang) huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì tháng 8 năm 1942, ông già Thu ở căn cứ cách mạng, tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên lấy tên là Hồ Chí Minh rồi đi sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng của đồng minh. Và từ đó tên Hồ Chí Minh là biểu tượng vô cùng cao đẹp là lãnh tụ tối cao và anh linh của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, cường thịnh.
Nguồn: www.lyhocdongphuong.org.vn